Theo DKRA Việt Nam, giá bán sơ cấp phân khúc đất nền Đồng Nai cao nhất là 74,1 triệu đồng/m2, thấp nhất là 24,4 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tại thị trường Tây Ninh, giá đất nền dao động từ 6,1 – 7,4 triệu đồng/m2.
Giá đất Đồng Nai cao gấp 10 lần Tây Ninh
Theo số liệu thống kê của bộ phận Nghiên cứu thị trường, DKRA Việt Nam, trong quý I/2022, toàn thị trường đất nền TP. HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận khoảng 11 dự án mở bán. Trong đó có 7 dự án mới và 4 giai đoạn mở bán tiếp theo, cung cấp ra thị trường khoảng 1.832 nền.
Số nền được tung ra thị trường tương đương mức ở giai đoạn quý IV/2021 (khoảng 1.834 nền), tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021.
DKRA Việt Nam nhận định nguồn cung mới không có nhiều thay đổi so với quý cuối của năm ngoái. Long An dẫn đầu toàn thị trường, chiếm 43% nguồn cung và 56% lượng tiêu thụ mới trong quý. Tại thị trường này, sản phẩm chủ yếu tập trung ở huyện Đức Hòa (86%) và huyện Cần Giuộc (14%).
Trong khi đó TP. HCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung mở bán mới. Các giao dịch chủ yếu là loại hình cá nhân đứng ra phân lô, quy mô nhỏ lẻ dưới 2 ha và ở các khu vực vùng ven.
Ngoài thị trường Long An và Tây Ninh, nhìn chung sức cầu toàn thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp, không có nhiều biến động so với quý trước. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ chung toàn thị trường đạt 68% với khoảng 1.240 nền được thị trường đón nhận, tăng nhẹ 6% so với quý trước và cùng kỳ năm 2021 (khoảng 1.174 nền) cho thấy phân khúc này đang tín hiệu phục hồi khá là tích cực.
Theo ghi nhận, giá bán sơ cấp ghi nhận tăng phổ biến ở mức 3 – 7% so với quý trước. Trong đó, tại thị trường Long An, giá tăng từ 4 – 6%, dao động từ 14,1 – 36,3 triệu đồng/m2. Tại Bình Dương, giá tăng từ 3 – 5%, dao động từ 11 – 52 triệu đồng/m2. Bà Rịa – Vũng Tàu có giá sơ cấp dao động từ 11 – 55 triệu đồng/m2.
Đặc biệt tại Đồng Nai đã xuất hiện dự án có mức giá khá cao, lên tới 74,1 triệu đồng/m2. Trong khi mức giá cao nhất tại Tây Ninh ghi nhận trong quý vừa qua chỉ là 7,4 triệu đồng/m2.
DKRA Việt Nam cho biết, các chủ đầu tư vẫn đang duy trì các chính sách hỗ trợ chiết khấu, thanh toán để nâng cao hiệu quả bán hàng. Thanh khoản trên thị trường thứ cấp cũng tiếp tục phục hồi, đặc biệt là ở các tỉnh Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đất nông nghiệp được giao dịch với mức giá “khủng”
Thực tế, thời gian qua, Đồng Nai liên tục đón những cơn sốt đất điên cuồng, thậm chí đất nông nghiệp ở khu vực này cũng được rao bán tràn lan với những mức giá “khủng”.
Ông Trịnh Tuấn Anh – Ủy viên thường vụ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, các dự án giao thông quốc gia, vùng, tỉnh khởi động đã giúp cho bất động sản tại Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành sôi động. Có nhiều khu vực xảy ra tình trạng giá đất bị “sốt ảo” gây rối loạn cho thị trường một phần là do lực lượng môi giới bất động sản thiếu đạo đức nghề nghiệp, chưa được đào tạo nghiệp vụ.
Từ năm 2019, đã có quy định xử phạt các trường hợp vi phạm trong môi giới bất động sản nhưng chưa có môi giới nào bị phạt nên không ai sợ. Cũng theo ông Tuấn Anh, muốn hạn chế tình trạng bát nháo trong môi giới bất động sản, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Qua tìm hiểu tại các địa phương, việc môi giới, thành lập điểm giao dịch bất động sản rất dễ dàng, ai muốn tham gia cũng được. Ngoài các điểm đặt biển rao mua bán bất động sản được cắm tràn lan ở các tuyến đường lớn thì chỉ cần lên internet với vài cú nhấp chuột sẽ tìm được hàng trăm “cò đất” rao bán các loại đất ở khắp nơi.
Trước đó, ông Võ Văn Phi – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tuy đất nông nghiệp phân lô ở Đồng Nai không còn hấp dẫn người đầu tư, nhưng vì nhiều người đã mua với giá cao nên không thể giảm sâu, giá đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hình thành mức giá mới khá cao.
Cụ thể, khu vực vùng sâu, vùng xa đường sá chưa được đầu tư có giá 1,5 – 2 tỷ đồng/ha, khu vực có đường lớn giá 5 – 10 tỷ đồng/ha. Các khu vực đất nông nghiệp được quy hoạch đất ở mức giá có thể lên đến 40 – 60 tỷ đồng/ha.
“Hiện nay, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030 đã được phê duyệt, các huyện, TP. Long Khánh, TP. Biên Hòa phải sớm tổ chức công bố rộng rãi cho người dân biết để thực hiện cho đúng. Riêng đất nông nghiệp, các địa phương phải quản lý chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép. Các trường hợp cố tình vi phạm về đất đai phải xử lý thật nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và buộc phải phục hồi nguyên hiện trạng”, vị lãnh đạo nói.
Theo Nhịp Sống Trẻ